DIGITAL TRANSFORMATION AND SUSTAINABLE BUSINESS – THE DEVELOPMENT PATH FOR BUSINESSES IN THE MODERN ECONOMY

Với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sức ép của các bên liên quan, chuyển đổi số và kinh doanh bền vững trở thành con đường phát triển chính cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại. Chuyển đổi số sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra được các quyết định đầu tư bền vững, phát triển được dữ liệu ESG; và việc công bố thông tin về ESG của doanh nghiệp lại có ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Tại Việt Nam, Thông tư 155/2015/TT-BTC cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin về mục tiêu phát triển bền vững và báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội. Trong bài chia sẻ này, chuyên gia UEH đã phỏng vấn sâu một số các DN nằm trong top 10 và top 100 có báo cáo bền vững tốt nhất để chỉ ra động cơ thực hành tài chính bền vững, các nhân tố tác động đến mức độ chuyển đổi số và thực hành tài chính bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam.


Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính đề cập đến việc tích hợp big data, trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng di động, blockchain và Internet vạn vật (IoT) trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính, ra quyết định tài chính và đầu tư (Oertli, 2020). Tài chính bền vững (Sustainable Finance) đề cập đến quá trình ra quyết định đầu tư, trong đó các yếu tố ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) được đánh giá cẩn trọng với định hướng gia tăng đầu tư dài hạn vào các dự án và các hoạt động kinh tế bền vững (Schoenmaker, D.; Schramade, W.; 2019). Khi doanh nghiệp tích hợp hai mảng này với nhau nghĩa là họ đang ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững: tận dụng lợi thế của các công nghệ mới nổi để thu thập và phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra được các quyết định tài chính và đầu tư vừa đảm bảo đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp nhưng vẫn lồng ghép được mục tiêu xã hội và môi trường (Oertli, 2020).

Với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sức ép của các bên liên quan, chuyển đổi số và kinh doanh bền vững trở thành con đường phát triển chính cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại. Chuyển đổi số sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra được các quyết định đầu tư bền vững thông qua việc đánh giá được hành vi người tiêu dùng, đánh giá được các rủi ro khi môi trường kinh doanh thay đổi và công nghệ mới xuất hiện. Chuyển đổi số cũng giúp các doanh nghiệp phát triển được dữ liệu ESG; và, việc công bố thông tin về ESG của doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông lại có ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Chi tiêu cho dữ liệu ESG tiếp tục tăng nhanh chóng do nhu cầu của khách hàng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Chất lượng và độ tin cậy kém của dữ liệu và phân tích ESG vẫn là rào cản quan trọng nhất cản trở sự tăng trưởng của tài chính bền vững

Do đó, để chuyển đổi số thành công, hướng đến hoạt động kinh doanh bền vững, câu hỏi quan trọng mà mỗi doanh nghiệp cần trả lời là chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được mục tiêu và nhu cầu tiên quyết nào? Trả lời được câu hỏi này sẽ giúp doanh nghiệp sắp xếp trình tự ưu tiên và vạch lộ trình triển khai từng bước phù hợp với khả năng tài chính và nguồn nhân lực. Ngoài ra, tận dụng mô hình SASE của Gatner (mô hình có thể tích hợp Security vào các tính năng của SD-WAN và cung cấp chúng dưới một dịch vụ duy nhất) để góp phần tháo gỡ rào cản về tài chính và nhân lực trong quá trình chuyển đổi số cũng là một gợi ý. Đặc biệt, phải hướng đến việc tạo ra nhiều dữ liệu cần thiết và hữu ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả khách hàng của mình. Trong quá trình chuyển đổi số mỗi doanh nghiệp cũng cần xem xét chọn lọc các“đối tác trong chia sẻ tài nguyên và dữ liệu dùng chung” để tiết kiệm chi phí và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Facebook và Google là một ví dụ điển hình cho khía cạnh này.

Ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững: Không chỉ riêng nỗ lực từ phía doanh nghiệp!

Không thể chỉ có nỗ lực từ một phía là các doanh nghiệp, câu chuyện ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững tại các doanh nghiệp của Việt Nam muốn thành công, cần phải có sự trợ lực từ nhiều phía.

Trong bối cảnh hiện tại, nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu, về tài chính bền vững có lẽ vẫn là gốc rễ của vấn đề. Bởi trong 2 động cơ thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số và thực hành tài chính bền vững: (1) thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, và (2) là một tình huống kinh doanh, thì động cơ (2) mang tính “căn cơ” và mạnh mẽ hơn. Và, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá thực hành tài chính bền vững tốt đều là những doanh nghiệp có các cổ đông chiến lược đến từ những quốc gia phát triển, hoặc sản phẩm của họ chủ yếu được xuất khẩu sang các nước phát triển (Châu Âu, Thụy Sĩ, Mỹ…) – nơi mà nhận thức của người tiêu dùng về biến đổi khí hậu và lựa chọn tiêu dùng xanh đã ở mức cao. Hiện tại nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về biến đổi khí hậu và thực hành tài chính bền vững chưa cao, nhưng khi nhận thức của họ được nâng lên, cộng với việc có những tác động khuyến khích, họ sẽ gia tăng tỷ lệ tiêu dùng “xanh”. Họ quan tâm hơn trong việc lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường không chỉ ở bản chất của sản phẩm mà còn xem xét quá trình sản xuất của doanh nghiệp và cả chuỗi cung ứng sản phẩm đó có gây hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng hay không?. Thay đổi này nếu được diễn ra trên diện rộng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thực hành tài chính bền vững và ứng dụng chuyển đổi số để có thể nắm bắt và đáp ứng thị hiếu tiêu dùng “xanh” của khách hàng.

Thứ ba, Chính phủ và chính quyền các địa phương nên chủ động thống kê và so sánh kết quả kinh doanh trước và sau khi ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững của các doanh nghiệp thành công để làm minh chứng truyền thông về chuyển đổi số, nâng cao nhận thức và quyết tâm chuyển đổi số của lãnh đạo các doanh nghiệp.

Bên cạnh nhận thức của người tiêu dùng, thì nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp về chuyển đổi số và tài chính bền vững cũng là vấn đề quan trọng. Từ khảo sát của VCCI, của Bộ công Thương và của Cisco đều cho thấy, trên 80% doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đúng về chuyển đổi số. Quá trình phỏng vấn sâu của chúng tôi cũng cho kết quả tương tự. Đặc biệt, kết quả phỏng vấn cho thấy, những doanh nghiệp đã thực hiện quá trình chuyển đổi số và vận dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững khá thành công đều khẳng định: “nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo đóng vai trò mấu chốt”.

Ngoài ra, tại Chương trình nghị sự 21 của Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất (1992), các nhà lãnh đạo cấp cao của các quốc gia cũng đã thừa nhận rằng, hầu hết các thách thức về môi trường và phát triển bền vững đều có nguồn gốc trong hoạt động của từng quốc gia, từng địa phương, từng lĩnh vực. Do vậy, bản địa hóa, địa phương hóa và lĩnh vực hóa các mục tiêu phát triển bền vững sẽ thu hút sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương vào thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Vai trò của Chính phủ, Chính quyền địa phương và của các ban ngành trong việc thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững

Với các phân tích ở trên, để thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong thực hành tài chính bền vững, rất cần các chính sách phù hợp của Chính phủ, Chính quyền địa phương và cả các ban ngành. Cụ thể:

Thứ nhất, thông qua tổ chức Đoàn thanh niên, sử dụng Hiệu ứng đám đông của mạng xã hội để triển khai các chương trình tuyên truyền, thuyết phục người dân thay đổi thói quen sinh hoạt và thực hiện tiêu dùng “xanh”. Về lâu dài, giáo dục về biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội phải được lồng ghép vào các môn học và hoạt động liên quan từ chương trình mầm non, tiểu học, giáo dục phổ thông.


Thứ hai, hệ thống ngân hàng cũng có thể có đóng góp quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu và khuyến khích các doanh nghiệp thực hành tài chính bền vững. Tuy vậy, việc lồng ghép nhiệm vụ thúc đẩy phát triển bền vững không được làm sao nhãng hay phương hại đến nhiệm vụ chính của ngân hàng trung ương và phải đảm bảo được tình trạng “win-win” của các tổ chức tín dụng vì bản thân các tổ chức tín dụng (ngoại trừ các ngân hàng chính sách) vẫn phải thực hiện mục tiêu lợi nhuận của mình.

Thứ ba, Chính phủ và chính quyền các địa phương nên chủ động thống kê và so sánh kết quả kinh doanh trước và sau khi ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững của các doanh nghiệp thành công để làm minh chứng truyền thông về chuyển đổi số, nâng cao nhận thức và quyết tâm chuyển đổi số của lãnh đạo các doanh nghiệp.

Thứ tư, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần phải cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững gắn với đặc thù của từng địa phương, từng lĩnh vực. Đồng thời, tiến hành phân bổ ngân sách theo trình tự ưu tiên theo các mục tiêu đã vạch ra; có chính sách khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp và cư dân hướng đến các mục tiêu cụ thể này qua hoạt động đầu tư và tiêu dùng của họ.

Thứ năm, khuyến khích các tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp phát triển dữ liệu về ESG, đồng thời bản thân Chính phủ và Chính quyền địa phương cũng cần đầu tư cho việc thu thập dữ liệu về phát triển bền vững một cách bài bản vì khi thiếu dữ liệu thì các chủ thể liên quan không thể biết phải làm gì để đạt mục tiêu.

Thứ sáu, sắp xếp và khai thác các nguồn lực, sử dụng chúng một cách thật hiệu quả để hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số, hỗ trợ phát triển các nền tảng số cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số phải đi vào thực chất, nguồn quỹ phải được sử dụng cho việc hỗ trợ thật sự hữu ích thay vì tiêu dùng cho các hoạt động mang tính hình thức như lễ công bố, hội họp,…

Cuối cùng, nên thực hiện khảo sát trên diện rộng để có thể xây dựng được khung chính sách và đưa ra được các giải pháp phù hợp nhằm triển khai và phát triển thành công thị trường “trái phiếu xanh” ở Việt Nam.

Tóm lại, ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững chính là con đường “đầu tư dài hạn” và cần thiết của các doanh nghiệp. 

(Tác giả: PGS.TS. Bùi Thị Mai Hoài – Viện trưởng Viện Tài chính bền vững SFI – UEH)